Chinh Phục Câu Hỏi Khó Của Nhà Tuyển Dụng
Tại sao nhà tuyển dụng lại thường hay đặt ra những câu hỏi khó?
Nhà tuyển dụng đưa ra những câu hỏi phỏng vấn khó vì nhiều lý do khác nhau. Nó sẽ giúp cho nhà tuyển dụng khai thác tốt những thông tin mà họ cần biết về bạn. Nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn một câu hỏi bất ngờ và trừu tượng như: "Nếu bạn là một cái cây, bạn sẽ là loại cây gì?". Mục đích không phải muốn biết câu trả lời của bạn, mà muốn quan sát sự nhạy bén, tư duy và lập luận của bạn. Mặc khác, nhà tuyển dụng có thể hỏi những câu hỏi phỏng vấn khó để đánh giá mức độ chuyên môn và kỹ năng của bạn có phù hợp với vị trí phỏng vấn.
1. Bạn có thể chia sẻ về một khó khăn bạn đã gặp phải trong quá trình làm việc và cách bạn vượt qua?
Nhà tuyển dụng đặt câu hỏi này để hiểu cách bạn phản ứng với khó khăn. Đối với các câu hỏi phỏng vấn hành vi như thế này, bạn có thể trình bày một cách logic và ngắn gọn nhất theo trình tự:
- Khó khăn gặp phải của bạn là gì?
- Vai trò của bạn trong nhiệm vụ/dự án đó?
- Bạn đã làm gì để giải quyết vấn đề?
- Kết quả như thế nào?
2. Tại sao bạn lại rời bỏ vị trí hiện tại?
Đây là thông tin quý giá để các nhà tuyển dụng hiểu về bạn, để hiểu hơn về mục tiêu sắp tới của bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp và vị trí mà họ đang tuyển dụng. Hãy trả lời câu hỏi này một cách trung thực, nhưng tốt nhất là tránh những nhận xét tiêu cực về công ty và đồng nghiệp cũ, nó sẽ gây ấn tượng không tốt về bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
3. Thành tựu lớn nhất của bạn là gì?
Nhà tuyển dụng muốn hiểu những gì bạn coi là thành tích và có giá trị nhất với bạn ở thời điểm hiện tại. Bạn có thể liên tưởng đến thành tích gần nhất của bạn trong vị trí cũ. Hoặc nếu bạn là sinh viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm thì có thể chia sẻ về thành tựu đạt được của bạn trong quá trình học tập, học bổng, CLB, cuộc thi,.. Giải thích ngắn gọn thành tích, vai trò của bạn trong đó và tại sao nó có giá trị đối với bạn.
Ví dụ: “Năm ngoái, nhóm của tôi đã giành được giải thưởng cho cải tiến quy trình sáng tạo nhất. Nhiệm vụ của tôi là tổ chức nhóm để suy nghĩ về cách chúng tôi có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất. Chúng tôi đã thử nghiệm ba cách đã được chứng minh và triển khai cách phù hợp nhất với chúng tôi. Sự thay đổi trong các quy trình đã giảm thời gian sản xuất xuống 20%, cho phép chúng tôi tăng gấp đôi sản lượng của mình."
4. Điểm mạnh của bạn là gì?
Đây là một cách giúp nhà tuyển dụng hiểu thêm về tính cách, giá trị và một lần nữa cho thấy sự phù hợp của bạn với công ty. Có rất nhiều ứng viên phỏng vấn cùng lúc với bạn, họ có nhiều điểm mạnh khác nhau, để nổi bật thì những điểm mạnh bạn nêu ra phải thật sự phù hợp với những yêu cầu về tố chất của vị trí bạn đang ứng tuyển.
Ví dụ như bạn phỏng vấn vị trí kế toán, thì điểm mạnh “tư duy sáng tạo” của bạn nó chưa thật sự phù hợp. Mặc khác, nếu như bản phỏng vấn vị trí nhân viên bán hàng, nhà tuyển dụng cần những người nhanh nhẹn, có khả năng giao tiếp tốt,.. hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn là ứng viên thật sự phù hợp cho vị trí này bằng những điểm mạnh có liên quan và dẫn chứng những công việc bạn đã từng làm để cho thấy điều đó.
5. Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?
Khi đưa ra câu hỏi này, nhà tuyển dụng không thực sự muốn biết chính xác điểm yếu của bạn là gì, mà thông qua câu trả lời họ sẽ đánh giá bạn dựa trên 3 yếu tố như sau:
- Khả năng phân tích: Bạn có khả năng phân tích tốt những sai lầm, điểm yếu, công việc của bạn đang làm như thế nào?
- Khả năng chiến lược: Làm thế nào bạn có thể xây dựng kế hoạch/chiến lược để khắc phục những điểm yếu này?
- Mức độ ảnh hưởng : Bạn đã thực hiện tốt các kế hoạch này ở mức độ như thế nào và bạn đã cải thiện được bao nhiêu phần trăm về điểm yếu của mình.
Do đó đối với câu hỏi này, lời khuyên vẫn là sự chân thành. Thay vì nói “Những điểm yếu của em là..”, bạn có thay bằng “Những điểm em cần khắc phục là…” và đi kèm với đó là bạn đã làm những gì để khắc phục nó. Bạn cần tỏ ra khiêm tốn và sẵn sàng học hỏi, hạn chế đưa ra những điểm yếu quá lớn ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của bạn. Ví dụ bạn là nhân viên bán hàng, đừng nên nói rằng “em rất ngại giao tiếp”, “sợ nói trước công chúng”,… điều đó chứng tỏ rằng bạn chưa thật sự phù hợp với công việc này.
6. Bạn thấy mình ở đâu trong 5 năm nữa?
Người phỏng vấn hỏi câu hỏi này để hiểu tham vọng nghề nghiệp của bạn, mối quan tâm lâu dài trong lĩnh vực của bạn và liệu công việc cụ thể này có phù hợp với nguyện vọng của bạn hay không. Họ muốn biết rằng nếu họ tuyển dụng bạn, bạn sẽ không phải tìm kiếm nơi khác trong thời gian 12 tháng. Hãy tìm ra những điểm tương đồng giữa mục tiêu nghề nghiệp của bạn và công việc này, bạn sẽ thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng, bạn thật sư yêu thích và có định hướng phát triển lâu dài trong lĩnh vực này.
Ví dụ: Năm thứ 2 và thứ 3, tôi sẽ phấn đấu để trở thành một giám sát viên và tiếp tục học hỏi, phát triển kĩ năng làm việc. Năm thứ 5 công tác, tôi đặt mục tiêu trở thành một nhà quản lý, với 5 năm làm việc tại công ty tôi tự tin rằng đó là khoảng thời gian đủ lớn để tôi tự học hỏi và tích lũy kĩ năng cần dùng cho cương vị quản lý tại doanh nghiệp.”
Trên đây là những câu hỏi của nhà tuyển dụng mà có thể bạn sẽ gặp phải khi đi phỏng vấn xin việc. Có thể các câu trên không phải là tất cả nhưng nếu bạn dành thời gian soạn ra cách trả lời câu hỏi phỏng vấn theo những gợi ý phía trên, đảm bảo bạn sẽ tự tin hơn khi đi phỏng vấn vì ít ra đã có sự chuẩn bị về những nội dung chính, những điều cần nói và không nên nói! Chúc bạn thành công!
CÔNG TY TNHH CAREERTODAY
Địa chỉ:
Trụ sở chính: Tầng 10, Toà nhà Vincom
72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Văn phòng: 20 Nguyễn Trường Tộ Phường 12, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Di động (Ms Anna): +84 877 699 759
Email: ess@careertoday.com.vn
Website: careertoday.com.vn
Bản quyền © 2018 - 2022 CareerToday. Tất cả các quyền được bảo lưu. Thiết kế bởi Eraweb